Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Không có vạch chỉ dẫn, vạch dừng ở các ngã tư, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng… nên thường xuyên gây tai nạn

Từ ngày 3-2-2010, tuyến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương và 9,6 km đường dẫn nằm trên địa bàn TP.HCM tạm thông xe và đoạn đường dẫn đã thành “điểm đen” mới về tai nạn giao thông.

Không có vạch dừng, chuyển hướng…
Điểm đầu tuyến đường dẫn là nơi giao nhau giữa quốc lộ 1A và cầu vượt, nhánh rẽ Tân Tạo. Gần hai tháng sau ngày thông xe, trên nền đường ở cả hai hướng từ An Sương và An Lạc chạy đến gần nút giao, cầu vượt đều chưa kẻ vạch, mũi tên chuyển hướng cho các loại xe từ quốc lộ 1A đi vào nút giao, rẽ sang đường dẫn. 

“Trong khi đó, biển báo hiệu rẽ lại nhỏ và gắn quá gần hai đầu nút giao, cầu vượt làm các tài xế chạy lố khỏi các nhánh rẽ vào nút giao phải lùi xe, gây nguy hiểm trên quốc lộ 1A” - Thiếu tá Lại Văn Ba, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, nhận định.

Cạnh đó, trên đường dẫn có giao cắt với các tuyến đường như Trần Đại Nghĩa, Thế Lữ có chốt đèn tín hiệu nhưng gần các giao lộ đều không có gờ giảm tốc, vạch dừng cho các loại xe và vạch đường dành cho người đi bộ. Trong khi vận tốc cho phép trên đường dẫn là 80 km/giờ lại chưa có gờ giảm tốc từ xa nên lưu thông qua các ngã tư trên rất nguy hiểm.

Đoạn đường dẫn có khoảng mười cầu vượt kênh và hầm chui. Từ ngày thông xe đến nay, tại bảy điểm tiếp giáp giữa hai đầu cầu, hầm chui xuất hiện tình trạng đường bị lún xuống 10-15 cm. 

Điều đáng nói là gần các điểm đường bị lún xuống thấp so với mặt cầu, hầm chui hoàn toàn không có biển báo “Đường đang bị lún” hoặc gờ giảm tốc nên các loại xe vô tư nhấn ga chạy với tốc độ cao khi qua đây thường bị nhảy chồm lên. 

Theo Trung tá Trần Văn Vỹ, Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, vừa qua có một xe Innova khi qua cầu kinh số 7 đã bị lật nghiêng, may mắn không có người bị thương, tử nạn.

Chưa kẻ sơn mũi tên chỉ các hướng đường đi làm cho nhiều lái xe bị đi lố, phải lùi lại
Không thể vin vào chữ “tạm” 
Suốt tuyến đường dẫn chỉ có ba lối mở để qua đường, dọc hai bên là dày đặc các khu dân cư nên xuất hiện tình trạng người đi bộ, xe máy đi ngược chiều để băng qua đường trong khi mật độ xe lưu thông trên tuyến cao tốc và đường dẫn rất cao, mỗi ngày đêm ước khoảng 60.000 lượt.

Theo Thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP, về lâu dài Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) cần nghiên cứu làm các đường gom dân sinh, kết nối vào các giao lộ. Lại nữa, suốt tuyến hiện nay chỉ có lác đác vài đoạn ngắn được gắn rào chắn bằng tôn sóng ngăn cách giữa mặt đường với vách taluy phía dưới, trong khi độ sâu của vách taluy với các hố đào phía dưới là hơn 2 m. Theo Trung tá Vỹ, điều này rất nguy hiểm cho các loại xe khi lỡ lạc tay lái hoặc do va quẹt bị văng khỏi mặt đường.

Với những bất cập trên, ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, thuộc PMU Mỹ Thuận, cho rằng tuyến đường cao tốc và đoạn đường dẫn thuộc TP.HCM được đưa vào khai thác tạm. Hiện còn 15 hạng mục trong đó có các hạng mục nêu trên phải đợi đến quý II-2011 mới hoàn thiện.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP lại cho rằng không thể vin vào chữ “tạm” mà chậm triển khai các hạng mục, công việc khẩn thiết, liên quan đến trật tự, an toàn giao thông. “

Những hạng mục như kẻ vạch chỉ dẫn trên nền đường, vạch dừng nơi các ngã tư, gờ giảm tốc, lắp đèn chiếu sáng, bít các chỗ trống trên dải phân cách giữa hai chiều đường để dân khỏi băng qua… là những công việc đơn giản, chỉ làm một hai ngày là xong. Cần gì phải đợi đến quý II-2011” - ông Tường nói.
Nguồn: http://nld.com.vn/

0 nhận xét :

Đăng nhận xét